Thông báo Kết luận hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 về thực hiện chính sách chi trả DVMTR

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng vừa ban hành công văn 284 ngày 10/5/2022 thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hồ Quang Bửu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Kế hoạch số 392/KH-UBND ngày 18/01/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai Nghị quyết số 38/20221/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hồ Quang Bửu kết luận các nội dung sau:

Hội đồng quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thống nhất tổ chức Hội nghị Sơ kết 10 năm (2012-2022) về tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, vào thời gian cuối năm 2022. Giao Ban Điều hành Quỹ có văn bản xin chủ trương cho phép của UBND tỉnh; phối hợp chủ rừng, Sở ngành liên quan trong công tác thi đua khen thưởng; có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời. Thông qua Hội nghị Sơ kết 10 năm sẽ đánh giá kết quả toàn diện về thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh;

Về thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh:

Sau khi Nghị quyết ban hành, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo thực hiện (Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 và Kế hoạch số 392/KH-UBNT) ngày 18/01/2022 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh);

Nghị Quyết số 38/2021/NQ-HĐND là kế thừa Nghị quyết số 46/2018/NQ- HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh. Đây là nội dung không phải mới, áp dụng tự bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiệu quả hơn, thay thế cho hình thức giao khoán rừng cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư được UBND tỉnh phê duyệt tại các quyết định về phê duyệt Đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện. Do vậy, đề nghị các đơn vị chủ rừng, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị Quyết số 38/2021/NQ- HĐND.

Chủ rừng lựa chọn hình thức bảo vệ rừng phù hợp và hiệu quả nhất trong công tác bảo vệ rừng của đơn vị. Trường hợp thay, đổi hình thức bảo vệ rừng từ giao khoán sang tự bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hoặc ngược lại (so với số liệu nêu tại Nghị Quyết số 38/2021/NQ-HĐND) chủ rừng quyết định lựa chọn, đề xuất trình cấp thẩm quyền phê duyệt (*). UBND tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) đối với nội dung này

Mặc dù có kế thừa, sửa đổi thay thế Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh, nhưng qua 6 tháng thực hiện Nghị quyết có nhiều vướng mắc cần tháo gõ, để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ rừng trên trên địa bàn tỉnh. Những kiến nghị của chủ rừng sẽ được tiếp thu, thảo luận, tổng hợp, trình cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung sau đó triển khai thực hiện. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, nghiên cứu, xem xét lấy ý kiến của các đơn vị chủ rừng, địa phương liên quan, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/202 của HĐND tỉnh;

Cho phép các chủ rừng còn đang rà soát, khẩn trương hoàn thành thủ tục rà soát bổ sung diện tích chi trả 2022 chậm nhất trước 31/8/2022 để làm cơ sở cho Quỹ tỉnh thực hiện xác định diện tích được chi trả năm 2022. Sau ngày 31/8/2022 các diện tích chưa được rà soát, chủ rừng tiếp tục rà soát bổ sung vào kế hoạch năm 2023. Các diện tích sau khi rà soát không đủ điều kiện chi trả, chủ rừng có trách nhiệm thống kê, báo cáo cho UBND huyện để có chỉ đạo trong công tác quản lý rừng, phát triển rừng đối với diện tích này trên địa bàn.

Về theo dõi, báo cáo diễn biến rừng, xác định diện tích rừng chi trả DVMTR: Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chi trả DVMTR, đề nghị các chủ rừng ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai phối hợp với Kiểm lâm địa bàn thực hiện kịp thời.

Tình hình phê duyệt quyết toán tiền chi trả DVMTR của chủ rừng, UBND xã có thực hiện chi trả tiền DVMTR chậm trễ, một số đơn vị chưa quyết toán nhiều năm. Đề nghị các chủ rừng, UBND xã có thực hiện chi trả tiền DVMTR; các địa phương (UBND các huyện), đơn vị cấp trên trực tiếp xét duyệt quyết toán (của chủ rừng, UBND xã) thực hiện tốt công tác quyết toán tiền chi trả DVMTR hằng năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2183/UBND-KTN ngày 16/4/2021 về việc thực hiện quyết toán tiền chi trả DVMTR. Đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể hơn, cần chấn chỉnh các địa phương, đơn vị còn có ý kiến khác nhau, không hợp tác, chậm trễ đối với công tác quyết toán tiền chi trả DVMTR.

Bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh là mối quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, Chính quyền. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, người bảo vệ rừng gắn bó với rừng, nâng cao đời sống từ rừng: Đề nghị các đơn vị chủ rừng, địa phương liên quan phải có đề xuất, kiến nghị cụ thể; Sở Nông nghiệp và PTNT có chương trình khảo sát, nghiên cứu trong và ngoài tỉnh về chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, mô hình bảo vệ rừng; tổ chức hội thảo, xem xét, tổng hợp các kiến nghị để tham mưu đề xuất HĐND, UBND tỉnh nâng cao mức đầu tư cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh;

Về công tác tuyên truyền, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ:

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Điều hành Quỹ, các chủ rừng đã tổ chức hiện tốt công tác tuyên truyền, tuỵ nhiên trong thời gian tới cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức, cách làm phù hợp. Chủ rừng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân, cộng đồng dân cư biết rõ chủ trương, chính sách về bảo vệ rừng; chú trọng tuyên truyền, tập huấn,tạo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (liên hệ với Trường cao đẳng Kinh tế Quảng Nam để phối hợp đào tạo); quan tâm, nghiên cứu gắn sinh kế với người bảo vệ rừng để người bảo vệ rừng gắn bó với rừng, nâng cao đời sống từ rừng. Các ban ngành ở tỉnh có kế hoạch tổ chức tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho Phòng Nông nghiệp &PTNT, Tài chính kế hoạch huyện và Hạt kiểm lâm để hỗ trợ chủ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng chi trả DVMTR trên địa bàn;

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng theo định hướng gắn với mô hình sinh kế trong lưu vực thủy điện và sinh kế vùng đệm; nghiên cứu, xây dựng các mô hình sinh kế hay; kết nối, chia sẽ thông tin để nhân rộng trên địa bàn.

Đối với trồng rừng thay thế:

Qua kiểm tra tình hình đối với các công trình trồng rừng thay thế đã đầu tư còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong thủ tục thanh quyết toán, khối lượng và chất lượng rừng; đồng thời xác định công tác trồng rừng thay thế là lâu dài, nhiều dự án còn phải triển khai về sau. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này:

Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét lấy ý kiến của các đơn vị liên quan (Sở Tài chính, Quỹ, các Chủ đầu tư) tổng hợp tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 về công tác nghiệm thu, quyết toán vốn theo hạng mục,... đối với các công trình trồng rừng thay thế đă triển khai trước đây theo Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; phối hợp, làm việc với Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho công tác kiểm tra, đánh giá đối với công trình trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh; hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trồng rừng thay thế để tăng cường quản lý đối với công trình này;

Về định hướng từ nay về sau các gói thầu trồng rừng thay thế phải trọn gói bao gồm trồng rừng, chăm sóc rừng và quản lý bảo vệ rừng; loài cây trồng rừng chủ yếu bằng cây bản địa;

Đề nghị các chủ đầu tư trồng rừng thay thế kiểm tra, đánh giá chất lượng từng lô rừng để có giải pháp trồng bổ sung đối với các lô rừng chưa đủ mật độ cây trồng theo quy định, bảo đảm thành rừng sau này;

Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm để quản lý, giám sát công trình trồng rừng thay thế nói riêng và quản lý rừng nói chung trên địa bàn tỉnh.

 

Tin liên quan