Học sinh bán trú huyện Nam Trà MyDo điều kiện miền núi đi lại khó khăn, đa số các em học sinh ở vùng cao Nam Trà My đang theo học bán trú. Số lượng học sinh nhiều, thông tin liên lạc còn hạn chế, ngoài thông tin tuyên truyền tình hình thiên tai đến các em; đòi hỏi các trường học phải đảm bảo tốt cơ sở vật chất, lương thực để các em được trú tránh an toàn. Thầy Huỳnh Văn Tịnh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trà Tập, huyện Nam Trà My cho biết, nhà trường đã lên phương án bố trí trực 24/24 tại trường nhằm quản lý học sinh. Nhà trường cũng đã chủ động dự trữ lương thực, nhu phẩm thiết yếu, nước uống để đảm bảo chăm lo đời sống các em bán trú những ngày bão đến.
Huyện Nam Trà My hiện dự trữ hơn 314 tấn gạo phòng chống thiên tai, huyện cũng huy động tối đa người và phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân chèn chống nhà cửa, chuẩn bị các phương án, điều kiện để sơ tán dân ở những vùng trọng yếu, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, đảm bảo giảm thiệt hại tối đa về người và của. Chủ ịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, hiện tại các xã, các khu dân cư đều có kịch bản sơ tán và phổ biến đến nhân dân. Trường hợp có sự cố xảy ra thì bà con sẽ biết địa điểm, hướng sơ tán nhanh nhất, an toàn nhất. "Chúng tôi cũng đã phân công các thành viên ban phòng chống lụt bão huyện về tận các xã, các thôn nắm tình hình cụ thể và phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã và ngành chức năng vận hành điện thoại vệ tinh VSAT nhằm đảm bảo thông tin liên lạc trong tình huống mạng di động viễn thông bị tê liệt hoàn toàn" - ông Trần Duy Dũng cho biết.
Tại Nam Trà My, nhiều khu dân cư có nguy cơ cao về sạt lở, do đó chính quyền nơi đây đang chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, theo kế hoạch dự kiến khoảng 865 hộ với 4.341 nhân khẩu; đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Video công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 tại huyện Nam Trà My