Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh vừa có báo cáo về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, gây sạt lở nghiêm trọng tại các khu vực ven biển, bờ sông làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Kè biển xã Tam Thanh - TP. Tam Kỳ bị sạt lởCụ thể, bờ biển Cửa Đại, đoạn qua khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An bị xâm thực vào khoảng 30m; bờ biển từ thôn An Lương đến thôn Trung Phường xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị sạt lở khoảng hơn 1km, nước biển xâm thực vào đất liền từ 5 - 10m, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 50 hộ dân khu vực sạt lở; bờ biển thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 500m, có đoạn nước biển xâm thực hơn 10m vào đất liền, khu vực sạt lở cách khu vực dân cư khoảng 200m; bờ biển thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành bị sạt lở với chiều dài hơn 300m, nhiều đoạn hở hàm ếch hơn 1,0m, ăn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng chục hộ dân trong khu vực. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh thống kê có hơn 80 vị trí sạt lở bờ sông.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, chủ động tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt để phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, ven biển và rừng phòng hộ ven biển. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Quản lý, kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông đường thủy (tốc độ phương tiện, trọng tải phù hợp) nhằm giảm thiểu tác động gây sạt lở, nhất là trên sông Vu Gia, Thu Bồn.